Theo quy hoạch phát triển mạng lưới đường bộ cao tốc, trên địa bàn tỉnh Đồng Nai sẽ có rất nhiều tuyến đường cao tốc đi qua kết nối với các vùng kinh tế như: TPHCM – Long Thành – Dầu Giây; Bến Lức – Long Thành; Biên Hòa – Vũng Tàu; Dầu Giây – Liên Khương. Đây là những trục giao thông chiến lược kết nối giữa các địa phương cũng như kết nối vùng miền Trung – Tây Nguyên – Đồng bằng sông Cửu Long với Đồng Nai, trong đó sân bay Long Thành làm tâm điểm. Tuy nhiên, đến nay mới chỉ có đường cao tốc TPHCM – Long Thành – Dầu Giây đưa vào sử dụng nhưng hiện đã quá tải, một số tuyến quốc lộ qua địa bàn tỉnh Đồng Nai cũng gặp hoàn cảnh quá tải tương tự, thường xuyên xảy ra tình trạng kẹt xe. Trong khi đó, các tuyến cao tốc khác vẫn đang còn vướng giải phóng mặt bằng.
Cụ thể, tuyến Quốc lộ 51 “độc đạo” kết nối các tỉnh miền Đông, miền Tây và TPHCM đến các KCN, cảng biển của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cũng đang quá tải nghiêm trọng. Trong khi đó, tuyến cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu nối TP.Biên Hòa với TP.Bà Rịa được quy hoạch xây dựng nhằm giảm áp lực giao thông cho Quốc lộ 51 nhưng đến nay vẫn chưa thể triển khai.
Ông Ðinh Hồng Hà, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần phát triển đường cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu, đơn vị đang khai thác dự án BOT Quốc lộ 51 cho biết, quá tải khiến tuyến đường thường xuyên kẹt xe kể cả ngày thường. Trong khi đó, dự án cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu đã có từ 10 năm trước và theo kế hoạch tuyến cao tốc này sẽ đưa vào khai thác đầu năm 2021, nhưng đến nay dự án vẫn chưa được phê duyệt tiền khả thi.
“Quốc lộ 51 sẽ áp lực hơn nữa khi triển khai thi công sân bay Long Thành”, ông Hà nói.
Đẩy nhanh giải phóng mặt bằng các dự án cao tốc
Trước thực trạng trên, tỉnh Đồng Nai đang đẩy nhanh tiến độ các dự án cao tốc khác, nhằm giảm tải cho các tuyến cao tốc, quốc lộ bị quá tải.
Cụ thể, UBND tỉnh Đồng Nai đã làm việc với chủ đầu tư 2 dự án cao tốc đang triển khai là dự án cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây và dự án cao tốc Bến Lức – Long Thành.
Theo Ban quản lý dự án Thăng Long – chủ đầu tư dự án cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây, đến nay công tác đền bù và bàn giao mặt bằng cho dự án đoạn qua tỉnh Đồng Nai đạt được 49,65km, số còn lại là 1,65km đang tiếp tục được các địa phương thực hiện. Chủ đầu tư cũng kiến nghị, UBND tỉnh Đồng Nai quyết liệt thực hiện công tác giải phóng mặt bằng phần còn lại, đẩy nhanh công tác di dời hạ tầng kỹ thuật đảm bảo hoàn thành công tác di dời hạ tầng kỹ thuật trong quý I/2021. Bên cạnh đó, đẩy nhanh công tác xây dựng khu tái định cư trên địa bàn huyện Xuân Lộc để đảm bảo tiến độ của dự án.
Trong khi đó, tuyến cao tốc Bến Lức – Long Thành kết nối các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long với các tỉnh Đông Nam Bộ, chia sẻ áp lực giao thông cho tuyến Quốc lộ 51 và Quốc lộ 1 đã khởi công xây dựng từ lâu, nhưng đến nay vẫn đang thi công “cầm chừng” vì thiếu vốn. Làm việc với UBND tỉnh Đồng Nai, chủ đầu tư dự án cho biết, tổng số hộ đã bàn giao mặt bằng là 1.214/1223 hộ với hơn 195ha đất, đạt 98,9%, hiện còn 9 trường hợp (hơn 2ha) chưa bàn giao. Do đó, chủ đầu tư kiến nghị UBND tỉnh Đồng Nai tiếp tục chấp thuận tạm ứng trước 9 tỉ đồng cho công tác giải phóng mặt bằng tại huyện Nhơn Trạch.
Ông Võ Tấn Đức – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai yêu cầu các địa phương có 2 dự án cao tốc trên tiếp tục vận động các hộ dân còn lại bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư để đảm bảo tiến độ và lưu ý các địa phương khi bàn giao mặt bằng phải có biên bản cụ thể và chủ đầu tư cần có biện pháp quản lý đất tránh việc tái lấn chiếm.
Đối với việc tạm ứng vốn giải phóng mặt bằng dự án cao tốc Bến Lức – Long Thành, lãnh đạo tỉnh Đồng Nai yêu cầu chủ đầu tư phải có văn bản gửi cho UBND tỉnh Đồng Nai xử lý.
Đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây (ký hiệu toàn tuyến là CT.01) là đường cao tốc nối Thành phố Hồ Chí Minh với Đồng Nai, có điểm đầu tuyến là nút giao thông An Phú, thuộc thành phố Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh và điểm cuối là nút giao thông Dầu Giây, huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai. Đoạn Long Thành – Dầu Giây thuộc hệ thống đường bộ cao tốc Bắc – Nam
Lộ trình đường Cao Tốc Long Thành
Đường dẫn đường cao tốc bắt đầu tại điểm giao cắt với Đại lộ Mai Chí Thọ tại thành phố Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh. Đường cao tốc chạy về hướng đông 4 km và cắt đường Vành đai II tại nút giao lớn hình loa kèn trumpet đôi. Qua khỏi cầu Long Thành, con đường tiếp tục chạy về hướng đông đông nam và giao cắt với Quốc lộ 51 (AH17) tại huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai. Từ đây, đường cao tốc chạy song song với Đường tỉnh 769 qua vùng nông nghiệp rộng lớn của huyện Long Thành và cắt Quốc lộ 1A (AH1) tại một nút giao hình loa kèn trumpet, 3 km về hướng đông Ngã tư Dầu Giây, huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai. Hiện tại CT.01 không cho phép xe gắn máy lưu thông trên đoạn đường này.
Trong toàn bộ chiều dài, đường cao tốc đi qua các phường An Phú, Phước Long B, Phú Hữu, Long Trường, Trường Thạnh, Long Phước (thành phố Thủ Đức) của Thành phố Hồ Chí Minh; các xã Phước Thiền (huyện Nhơn Trạch), Tam An, An Phước, thị trấn Long Thành, Long An, Bình Sơn, Bình An (huyện Long Thành), Sông Nhạn, Xuân Quế (huyện Cẩm Mỹ), Lộ 25, thị trấn Dầu Giây (huyện Thống Nhất) của tỉnh Đồng Nai.
“Hạt nhân” kết nối giao thông
Theo quy hoạch phát triển mạng đường bộ cao tốc Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, trên địa bàn tỉnh sẽ có 5 tuyến đường cao tốc đi qua. Đây là những trục giao thông chiến lược mang tính kết nối giữa các địa phương cũng như kết nối vùng để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội.
Khi tất cả 5 tuyến đường cao tốc theo quy hoạch gồm: TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây; Bến Lức – Long Thành; Phan Thiết – Dầu Giây; Biên Hòa – Vũng Tàu và Dầu Giây- Liên Khương được xây dựng hoàn thành, Đồng Nai sẽ có hơn 200km đường cao tốc đi qua địa bàn. |
Hiện nay, đường cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây là đường cao tốc duy nhất đi qua địa bàn tỉnh đã được xây dựng hoàn thành và đưa vào khai thác. Từ năm 2015 đến nay, sau khi thông tuyến và đưa vào sử dụng, đường cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây đã đóng vai trò hết sức quan trọng trong kết nối giữa Đồng Nai với trung tâm kinh tế, tài chính lớn nhất cả nước là TP.HCM. Cũng chính vì vậy, chỉ sau 5 năm đưa vào khai thác, đường cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây hiện đã rơi vào tình trạng quá tải.
Với nhiều ưu thế, đường cao tốc đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc tạo ra sự kết nối về giao thông, thúc đẩy phát triển của mỗi địa phương nói riêng cũng như cả nước nói chung.
Phó thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình cho biết, phát triển hạ tầng đồng bộ, đặc biệt là hạ tầng giao thông, là nhiệm vụ quan trọng, ưu tiên hàng đầu của Đảng, Nhà nước và là một trong 3 đột phá chiến lược của đất nước. Thời gian qua, việc đầu tư và đưa vào sử dụng các tuyến đường cao tốc đã có tác động rất lớn đối với sự phát triển kinh tế, trở thành động lực “đánh thức” tiềm năng của nhiều vùng, miền. “Đường cao tốc mở đến đâu, kinh tế ở đó phát triển, người dân được hưởng lợi từ sự đầu tư, phát triển này” – Phó thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình nhấn mạnh.
Đối với Đồng Nai, địa phương nằm ở vị trí trung tâm của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, vùng kinh tế phát triển năng động nhất cả nước, những năm qua từ Trung ương đến địa phương đã có nhiều chính sách ưu tiên để xây dựng, hoàn thiện mạng lưới đường cao tốc. Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng cho biết, thời gian qua, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ GT-VT triển khai nhiều công trình đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông với quy mô lớn, mang tính đột phá qua địa bàn như: đường cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây; Bến Lức – Long Thành và mới đây nhất là đường cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây.
* Sớm hiện thực hóa quy hoạch
Đường cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu và Dầu Giây – Liên Khương là 2 tuyến cao tốc được quy hoạch đi qua địa bàn tỉnh hiện nay chưa được triển khai thực hiện.
Trong khi đó, dự án Xây dựng đường cao tốc Dầu Giây – Liên Khương hiện cũng đang được Ban Quản lý dự án Thăng Long (Bộ GT-VT) lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi để triển khai chuẩn bị đầu tư giai đoạn 2021-2025.Thứ trưởng Bộ GT-VT Lê Anh Tuấn cho hay, đối với dự án Đường cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu, hiện Bộ GT-VT đang triển khai thực hiện các thủ tục đầu tư để sớm triển khai. “Chúng ta phải nỗ lực để khởi công dự án vào cuối quý IV-2021” – Thứ trưởng Lê Anh Tuấn cho hay.
Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng cho biết, dự án Xây dựng 2 đường cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu và Dầu Giây – Liên Khương là 2 dự án mà tỉnh mong muốn các cơ quan chức năng của Trung ương triển khai thực hiện sớm để tạo điều kiện cho Đồng Nai tăng tốc phát triển. “Quốc lộ 51 hiện đã quá tải nên phải xây dựng đường cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu sớm” – Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng nhấn mạnh.
Tương tự, đường cao tốc Dầu Giây – Liên Khương khi được triển khai xây dựng sẽ tạo ra trục kết nối đồng bộ giữa Đồng Nai với tỉnh Lâm Đồng và các tỉnh Tây nguyên. Đồng thời, đường cao tốc Dầu Giây – Liên Khương cũng tạo điều kiện cho 2 huyện miền núi của tỉnh là Định Quán và Tân Phú phát triển.
Quan trọng hơn, theo Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng, việc đẩy nhanh hoàn thành các tuyến đường cao tốc đang xây dựng, mở rộng đường cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây và triển khai đầu tư sớm các dự án đường cao tốc trong quy hoạch là điều kiện cấp thiết để khai thác tối đa hiệu quả của cảng hàng không quốc tế (sân bay) Long Thành trong tương lai. Theo kế hoạch, giai đoạn 1 của dự án Xây dựng sân bay Long Thành sẽ được khởi công trong năm 2021 và hoàn thành vào năm 2025. Với công suất 25 triệu lượt hành khách/năm, việc kết nối giao thông, trong đó có các tuyến đường cao tốc với sân bay Long Thành là yêu cầu rất cấp bách để khai thác có hiệu quả “siêu sân bay” Long Thành. “Nhiệm vụ của địa phương là thực hiện công tác giải phóng mặt bằng các dự án đường cao tốc. Thời gian qua, tỉnh đã rất tập trung cho nhiệm vụ này mà rõ ràng nhất là Đồng Nai đã thực hiện giải phóng mặt bằng nhanh đối với dự án Đường cao tốc Phan Thiết – Dầu Giay. Thời gian tới, tỉnh sẽ tập trung quyết liệt hơn nữa cho công tác này” – Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng cho biết.
ĐỒNG NAI KHỞI CÔNG ĐƯỜNG KẾT NỐI CAO TỐC LONG THÀNH
Ngày 29/12, UBND Đồng Nai khởi công đoạn một Hương lộ 2 qua phường An Hòa và xã Long Hưng, TP Biên Hòa. Tuyến đường này chạy dọc sông Đồng Nai.
Đồng Nai: Đẩy nhanh tiến độ thông đường 319 kết nối 2 đường cao tốc
Đường 319 là tuyến đường quan trọng kết nối các khu công nghiệp (KCN) trên địa bàn huyện Nhơn Trạch (tỉnh Đồng Nai) với cảng Cái Mép (tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) và đặc biệt kết nối 2 tuyến đường cao tốc trên địa bàn tỉnh là TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây và Bến Lức – Long Thành. Tuyến đường này đang được tăng tốc để hoàn thành trong năm 2020.
Thi công cầu vượt đường cao tốc
tại hạng mục nút giao đường 319 và đường cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây
Hoàn thành xây dựng trong năm 2020
Dự án Đường 319 được chia làm 4 đoạn đầu tư. Hiện nay, 3 đoạn gồm: đoạn qua KCN Nhơn Trạch 1; đoạn 1,2km từ ngã ba Bến Cam, xã Phước Thiền đến giao với đường nối vào cảng Phước An và đoạn cuối tuyến xuống cảng Phước An (đường nối cảng Phước An) đã hoàn thành xây dựng và đi vào hoạt động.
Riêng đoạn đường 319 nối dài từ ngã ba Bến Cam nối với đường cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây đang được thi công. Đoạn đường 319 nối dài được đầu tư theo hình thức BOT (xây dựng – khai thác – chuyển giao) do Công ty CP BOT 319 Cường Thuận CTI làm chủ đầu tư. Theo kế hoạch ban đầu, đoạn đường 319 nối dài cùng với toàn bộ dự án đường 319 sẽ hoàn thành xây dựng trong năm 2017. Tuy nhiên, do gặp những khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng và phương án kết nối với đường cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây nên đến nay, đoạn đường 319 nối dài vẫn chưa thể hoàn thành xây dựng.
Ông Đới Hùng Cường, Tổng Giám đốc Công ty CP BOT 319 Cường Thuận CTI cho biết, hiện nay, nhà thầu đang bố trí nhiều mũi thi công để có thể hoàn thành dự án trong năm 2020, qua đó thông tuyến toàn bộ đường 319.
Đối với phần đường chính, các nhà thầu thi công đã hoàn thành khoảng 80% khối lượng xây lắp. Đối với hạng mục nút giao giữa đường 319 với đường cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây, các nhà thầu cũng đang tập trung đẩy nhanh tiến độ thi công.
Nút giao đường 319 với đường cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây là một trong những hạng mục quan trọng nhất. Tại nút giao này sẽ xây dựng cầu vượt đường cao tốc và các nhánh rẽ từ hướng TP.HCM về H.Nhơn Trạch và chiều ngược lại; hướng từ huyện Nhơn Trạch đi ngã tư Dầu Giây và chiều ngược lại. Hiện nay, các nhà thầu đang tập trung thi công công trình cầu vượt đường cao tốc nhằm đảm bảo hoàn thành toàn bộ dự án trong năm 2020. “Thời gian qua, thời tiết mưa nhiều cũng gây khó khăn cho việc thi công. Tuy nhiên, hiện các nhà thầu đang tập trung thi công để cố gắng hoàn thành toàn bộ dự án trong năm 2020” – ông Đới Hùng Cường cho hay.
Tạo trục kết nối tam giác kinh tế
Đường 319 là trục giao thông chạy xuyên qua các KCN của huyện Nhơn Trạch, do đó khi hoàn thành xây dựng sẽ rút ngắn thời gian di chuyển đến TP.HCM. Đồng thời, đường 319 sẽ góp phần chia sẻ lưu lượng phương tiện giao thông cho đường cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây và quốc lộ 51 vốn đang bị quá tải. Bởi, các phương tiện giao thông có thể lưu thông thẳng từ TP.HCM về huyện Nhơn Trạch và ngược lại theo đường 319 mà không cần phải di chuyển về Quốc lộ 51. Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai – Trần Văn Vĩnh, đây là một trong những tuyến giao thông quan trọng tạo ra sự đột phá về phát triển công nghiệp và đô thị cho tỉnh Đồng Nai, đặc biệt là huyện Nhơn Trạch.
Hiện nay, ngoài đoạn đường 319 nối dài đang được thi công gấp rút để hoàn thành thì tuyến đường nối vào cảng Phước An (đoạn từ nút giao với đường cao tốc đến cảng Phước An) cũng đang được triển khai thực hiện.
Ông Từ Nam Thành, Giám đốc Sở GTVT Đồng Nai cho hay, khi tuyến đường nối cảng Phước An hoàn thành xây dựng, đường 319 sẽ đóng vai trò là tuyến đường nối 2 đường cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây và Bến Lức – Long Thành. Cùng với đó, khi cầu Phước An hoàn thành xây dựng, đây cũng là trục giao thông kết nối các KCN huyện Nhơn Trạch với các cảng Phước An và Cái Mép (Bà Rịa – Vũng Tàu). Như vậy, khi xây dựng hoàn thành, đường 319 sẽ tạo nên một trục giao thông kết nối mới giữa 3 địa phương trong tam giác kinh tế của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam gồm: TP.HCM, Đồng Nai và Bà Rịa – Vũng Tàu. Cụ thể, các phương tiện giao thông từ đường cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây đi Bà Rịa – Vũng Tàu sẽ đi theo tuyến đường này để xuống đường cao tốc Bến Lức – Long Thành rồi ra Quốc lộ 51 đoạn xã Phước Thái, huyện Long Thành. Như vậy, lượng xe qua các điểm kẹt trên Quốc lộ 51 hiện nay sẽ giảm. Đây cũng là tuyến đường ngắn nhất để hàng hóa tại các KCN trên địa bàn huyện Nhơn Trạch có thể lưu thông ra cảng Phước An, hoặc qua cầu Phước An để đến cảng Cái Mép – Thị Vải mà không cần vòng ra Quốc lộ 51. Trong sơ đồ quy hoạch giao thông trên địa bàn huyện Nhơn Trạch, các tuyến đường Hùng Vương, 25A, 25B và 25C được coi là trục xuyên tâm của đô thị mới Nhơn Trạch thì đường 319 đóng vai trò kết nối 3 tuyến này vào 2 tuyến cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây và Bến Lức – Long Thành.